Quá trình sinh con diễn ra như thế nào? Có mấy giai đoạn?

Sau bao ngày chờ mong, cuối cùng cũng đã đến lúc ba mẹ đón bé yêu chào đời trong niềm vui của gia đình, người thân. Thế nhưng, khi đến ngày gần sinh, mẹ bầu khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, hồi hộp bởi quá trình sinh con cũng vất vả không kém hành trình mang thai. Việc chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần cũng như kiến thức sinh nở sẽ giúp các mẹ vượt qua quá trình này dễ dàng hơn. Bài viết này sẽ cung cấp tất tần tật những thông tin cần thiết về quá trình sinh con, hãy cùng theo dõi nhé.

Thời gian diễn ra quá trình sinh con khác nhau ở mỗi mẹ bầu
Thời gian diễn ra quá trình sinh con khác nhau ở mỗi mẹ bầu

Sinh con là gì?

Sinh con là một phần của quá trình chuyển dạ, thường bắt đầu từ tuần thứ 40 của thai kỳ trở đi, báo hiệu mẹ bầu sắp hoàn thành giai đoạn mang thai 9 tháng 10 ngày của mình. Ở lần sinh đầu tiên, quá trình sinh con có thể kéo dài từ 12 – 20 tiếng và giảm dần ở những lần tiếp theo.

Trẻ sơ sinh chào đời từ 37 tuần trở lên được xem là sinh đủ tháng và dưới 37 tuần thì được gọi là sinh thiếu tháng. Trong trường hợp, thai nhi đã hơn 40 tuần tuổi mà vẫn chưa có dấu hiệu chào đời thì bác sĩ có thể áp dụng biện pháp kích thích chuyển dạ hoặc mổ lấy thai.

Sinh con có đau hay không?

Đối với những người lần đầu làm mẹ, sự lo lắng về những cơn đau trong quá trình sinh con có thể ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của họ. Hàng loạt những câu hỏi hiện ra trong đầu như “Quá trình chuyển dạ diễn ra thế nào?”, “Sinh con có đau không?”, “Đau bụng sinh có thể chịu được không?”.

Trên thực tế, sinh con chắc chắn sẽ gây đau đớn cho mẹ bầu nhưng có thể chịu đựng được và trải nghiệm về cơn đau ở mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau. Theo số liệu thống kê, một nửa sản phụ cho rằng các cơn co thắt là đau đớn nhất trong quá trình sinh con, còn một số ít người thì cho rằng rặn đẻ hoặc giai đoạn sau sinh là đau đớn nhất. Để đánh giá theo mức độ đau đớn thì con đau tương đương với đau bụng kinh dữ dội chiếm 45%, tương đương với đau lưng dữ dội chiếm 16% và tương đương với gãy xương là 15%.

Mặc dù vậy, với sự phát triển của ngành y tế hiện nay, mẹ bầu có thể lựa chọn phương pháp sinh không đau phù hợp như gây tê ngoài màng cứng, gây tê tuỷ sống… nhằm làm giảm cơn đau trong quá trình sinh nở.

Dấu hiệu con sắp chào đời?

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, khi gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu nên đặc biệt chú ý đến những biểu hiện của cơ thể dưới đây để nhận biết dấu hiệu con yêu sắp chào đời.

Những cơn gò tử cung từ thưa thớt đến dồn dập

Cơn gò tử cung (co thắt tử cung) là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp đến ngày “lâm bồn”. Vào những ngày này, tử cung sẽ bắt đầu tạo ra những cơn co thắt để kích thích sự giãn nở của cổ tử cung, giúp em bé di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn. Ban đầu, các cơn chuyển dạ sẽ xuất hiện thưa thớt với biểu hiện giống như chuột rút trong kỳ kinh và trở nên mạnh hơn khi gần đến ngày sinh. Khi các cơn gò xuất hiện dồn dập hơn và mạnh hơn thì khả năng mẹ bầu chuyển dạ là rất cao nên các mẹ cần di chuyển đến bệnh viện ngay sau đó.

Tuy nhiên, một hiện tượng có thể gặp phải ở giai đoạn cuối của quá trình mang thai là chuyển dạ giả với các biểu hiện tương tự như chuyển dạ thật nhưng các cơn gò xuất hiện không đều và sẽ khỏi khi mẹ bầu đổi tư thế, đồng thời nhanh chóng biến mất mà không cần can thiệp y tế.

Co thắt tử cung ở giai đoạn cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu con sắp chào đời
Co thắt tử cung ở giai đoạn cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu con sắp chào đời

Đau lưng

Bên cạnh những cơn co thắt, dấu hiệu cho thấy em bé sắp chào đời tiếp theo là đau lưng. Theo đó, cơn đau thường bắt đầu ở vùng lưng rồi mới di chuyển dần ra vùng bụng phía trước, đôi khi kèm theo hiện tượng chuột rút. Để làm giảm triệu chứng đau lưng, các mẹ có thể áp dụng biện pháp chườm nóng/lạnh hay massage.

Vỡ ối

Túi ối là túi chất lỏng, có chức năng bảo vệ thai nhi trong tử cung suốt thai kỳ. Khi gần đến ngày sinh, túi này sẽ vỡ ra và thường được gọi là tình trạng vỡ ối, xuất hiện dòng chất lỏng chảy ra từ âm đạo xuống chân hoặc rỉ ra một vài giọt. Đây là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì có thể sinh con sau đó không lâu.

Thế nhưng, trong một số trường hợp mẹ bầu không thể dựa vào dấu hiệu này để xác định thời điểm sắp sinh con vì túi ối có thể không vỡ ngay cả khi thai phụ chuyển dạ. Do đó, mẹ bầu có thể dựa vào những dấu hiệu khác của cơ thể để xác định chính xác hơn.

Bật nút nhầy cổ tử cung

Trong quá trình mang thai, cổ tử cung sẽ xuất hiện một chất nhầy, gọi là nút cổ tử cung, có kết cấu đặc như cục máu đông trong kỳ hành kinh, có màu hồng hoặc nâu để bảo vệ em bé bên trong. Khi gần đến ngày chuyển dạ, cổ tử cung sẽ mềm và giãn ra, tạo điều kiện cho nút nhầy lỏng và tụt ra ngoài.

Cổ tử cung mở từ từ

Cổ tử cung của mẹ bầu khi chưa đến ngày chuyển dạ thì còn khá nhỏ, không đủ chỗ để em bé chui ra ngoài. Chính vì thế, cổ tử cung sẽ bắt đầu mỏng dần và giãn ra khi quá trình chuyển dạ bắt đầu. Bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra cổ tử cung của thai phụ để xác định số phân giãn nở. Đối với các mẹ sinh thường thì cổ tử cung mở ít nhất 10cm thì thai phụ sẽ bắt đầu rặn đẻ.

Quá trình sinh con có mấy giai đoạn?

Quá trình sinh con thường trải qua 3 giai đoạn chính như sau:

Giai đoạn đầu tiên: Bắt đầu chuyển dạ

Chuyển dạ được xem là giai đoạn dài nhất trong quá trình sinh con, có thể diễn ra trong vài giờ hoặc kéo dài lên đến 20 giờ kể từ khi cổ tử cung bắt đầu giãn nở cho đến khi mở hoàn toàn, khiến cho không ít thai phụ phải chịu những cơn đau do co thắt tử cung. Giai đoạn này gồm có 2 giai đoạn nhỏ như sau:

– Chuyển dạ tiềm thời: thai phụ sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn gò nhẹ cách nhau từ 15 – 20 phút, mỗi cơn kéo dài từ 60 – 90 giây. Sau đó, tần suất xuất hiện cơn gò sẽ dần ngắn lại cho đến khi thời gian giữa 2 con chỉ cách nhau chưa đầy 5 phút. Khi con gò xuất hiện, cổ tử cung của mẹ sẽ trở nên mỏng và ngắn hơn để chuẩn bị cho việc sinh con, trung bình từ 0 – 4cm kèm theo dịch tiết âm đạo trong suốt hoặc có lẫn máu.

Việc các mẹ cần làm ngay lúc này là xác định thời gian của các cơn gò và khoảng cách giữa 2 cơn, nếu cơn gò xuất hiện chưa nhiều, ngắn và khoảng cách giữa 2 cơn xa nhau thì chưa vội nhập viện ngay. Thay vào đó, các mẹ cần thả lỏng cơ thể và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho quá trình sinh nở tại bệnh viện sắp tới.

– Giai đoạn hoạt động: bắt đầu khi cổ tử cung giãn nở từ 4cm trở lên, các cơn gò trở nên mạnh hơn và tần suất giữa 2 cơn chỉ cách nhau khoảng 3 phút, kéo dài khoảng 45 giây. Một số biểu hiện kèm theo là đau lưng, chảy máu âm đạo nhiều hơn… Lúc này, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay. Thông thường, giai đoạn hoạt động sẽ kéo dài trong khoảng 4 – 8 tiếng nhưng cơn đau mạnh hơn và dồn dập hơn, gây áp lực mạnh lên trực tràng. Khi cổ tử cung giãn nở từ 8 – 10cm, thai phụ thường có xu hướng muốn rặn đưa em bé ra ngoài, tuy nhiên đừng nên tự ý thực hiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì dễ khiến cổ tử cung sưng lên, gây khó khăn cho giai đoạn sinh con.

Chuyển dạ là giai đoạn đầu của quá trình sinh con
Chuyển dạ là giai đoạn đầu của quá trình sinh con

Giai đoạn thứ hai: Sinh con

Khi cổ tử cung mở rộng hoàn toàn khoảng 10cm, các mẹ sẽ chính thức bước vào giai đoạn sinh con với các cơn gò dồn dập hơn, kéo dài trong khoảng 60 – 90 giây. Trong giai đoạn này, các bác sĩ sản khoa sẽ hướng dẫn các mẹ cách rặn đẻ để đẩy em bé ra ngoài nhanh chóng nhất.

Trong lúc thai phụ rặn đẻ, bác sĩ có thể rạch tầng sinh môn nếu cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho em bé ra ngoài. Việc tập thở, nghỉ ngơi trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết và chỉ rặn đẻ khi có sự yêu cầu của bác sĩ. Sau khoảng 1 – 2 giờ, em bé sẽ chào đời, được cắt dây rốn, lau sạch và da kề da với mẹ.

Giai đoạn thứ ba: Lấy nhau thai

Đây là giai đoạn cuối cùng và ngắn nhất trong quá trình sinh nở, chỉ kéo dài khoảng 20 phút. Sau khi em bé chào đời, nhau thai được tách ra khỏi tử cung và được bác sĩ đưa ra ngoài qua đường âm đạo. Lúc này, sản phụ có thể vẫn còn cảm nhận các cơn gò nhưng sẽ ít đau hơn và giảm dần sau đó. Trong trường hợp mẹ bầu bị rạch tầng sinh môn ở giai đoạn trước thì bác sĩ sẽ nhanh chóng khâu lại ở giai đoạn này.

Các phương pháp sinh con hiện nay?

Hiện nay có không ít phương pháp sinh con nhưng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thể chất của mẹ và bé, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh phù hợp.

Sinh con qua đường âm đạo (sinh thường không cần hỗ trợ)

Đây là hình thức sinh con tự nhiên an toàn và phổ biến, được hầu hết các chuyên gia sản khoa khuyến khích vì mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Ở phương pháp sinh nở này, mẹ bầu sẽ chủ động sinh con qua đường âm đạo mà không cần sự hỗ trợ của thuốc kích thích chuyển dạ hay thuốc giảm đau, chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn rặn đẻ đúng kỹ thuật của bác sĩ để sinh con an toàn, không làm rách tầng sinh môn.

Một số lợi ích của phương pháp sinh này bao gồm: thời gian nằm viện sau sinh ngắn, tỷ lệ nhiễm trùng thấp, thời gian phục hồi nhanh, trẻ ít có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Sinh con qua đường âm đạo có hỗ trợ (sinh thường có trợ giúp)

Khi thai phụ không thể sinh con tự nhiên mà không cần hỗ trợ, các bác sĩ sẽ sử dụng một số thủ thuật y khoa để hỗ trợ đưa em bé ra ngoài, bao gồm:

– Dùng kẹp Forceps: dụng cụ này có hình dáng tương tự như chiếc kẹp cán dài, được đưa vào âm đạo và đặt ở hai bên đầu của thai nhi, đồng thời kết hợp với tay để từ từ đưa em bé ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, cách này có thể gây biến chứng cho mẹ như rách cổ tử cung, tầng sinh môn và âm đạo, đồng thời bé cũng có thể bị bầm tím ở mặt và cổ.

– Hút chân không: bác sĩ sử dụng dụng cụ hút chân không có hình dạng chiếc cốc nhỏ bám chặt vào đầu em bé, rồi khởi động cơ chế bơm hút để đưa em bé ra ngoài. Ở phương pháp này, các biến chứng nguy hiểm đối với mẹ là rách âm đạo, tầng sinh môn và cơ vòng hậu môn, còn đối với bé là tổn thương hộp sọ, bầm tím vùng đầu, xuất huyết võng mạc…

– Rạch tầng sinh môn: Khi thai phụ rặn đẻ khó khăn, bác sĩ có thể rạch một vết nhỏ ở giữa âm đạo và hậu môn để tạo không gian cho em bé ra ngoài. Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại tầng sinh môn cho mẹ.

Sinh mổ (sinh con bằng phẫu thuật)

Khi mẹ bầu không thể sinh thường vì một lý do nào đó, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Một số trường hợp được chỉ định sinh mổ khi thai phụ từng sinh mổ ở những lần sinh trước, đang mắc một số bệnh nhiễm trùng (HIV, mụn rộp sinh dục…), mắc bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp, nhau tiền đạo, nhau bong non, em bé quá lớn hoặc nằm sai tư thế, dị tật bẩm sinh hoặc có biểu hiện bất thường, quá trình sinh đột ngột ngừng lại do mẹ bầu gặp vấn đề nào đó.

Khi sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch một đường dài ở vùng bụng dưới để mở bụng và tử cung của mẹ và đưa em bé ra ngoài. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể đối mặt với các biến chứng như nhiễm trùng, xuất huyết nhiều, xuất hiện cục máu đông, dị ứng với thuốc mê, tổn thương các cơ quan khác, còn em bé cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đường hô hấp…

Sinh qua đường âm đạo khi đã sinh mổ ở những lần trước (VBAC)

Phương pháp này được áp dụng cho những mẹ bầu muốn sinh thường, có sức khoẻ tốt dù lần sinh trước đó đã sinh mổ. Tuy nhiên, nếu có một trong những yếu tố sau, mẹ bầu sẽ không được sinh thường: béo phì (chỉ số BMI >30), tiền sản giật, trên 35 tuổi, lần sinh mổ trước diễn ra trong vòng 18 tháng vừa qua, thai nhi có cân nặng >3.5-4kg.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xác định loại sẹo trên tử cung của mẹ bầu ở lần sinh mổ trước là vết rạch dọc từ trên xuống dưới hay vết rạch ngang từ bên này sang bên kia. Đối với vết rạch dọc, mẹ bầu sẽ không thể sinh thường để tránh rách vết sẹo cũ, còn nếu là vết rạch thấp và ngang, mẹ bầu có thể thử VBAC nhưng các yếu tố nguy cơ khác phải ở mức thấp.

Tìm hiểu chi tiết về quá trình sinh con giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn
Tìm hiểu chi tiết về quá trình sinh con giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn

Một số biến chứng trong quá trình sinh con?

Một lần sinh là một lần khó, vì thế mẹ bầu có thể đối mặt với nhiều biến chứng thường gặp trong quá trình sinh con như:

– Giai đoạn chuyển dạ kéo dài hoặc tắc nghẽn làm kéo dài quá trình sinh con, khoảng hơn 20 giờ đối với lần sinh con đầu tiên và hơn 14 giờ đối với lần sinh thứ 2, thứ 3….

– Ngạt chu sinh, khiến trẻ không thể thở trước, trong hoặc sau khi sinh.

– Băng huyết, gây chảy máu ồ ạt, khó cầm máu, khiến mẹ mất quá nhiều máu trong lúc sinh.

– Thai nhi nằm ở tư thế nghiêng, ngôi mông, ngang tử cung, thay vì quay đầu xuống dưới về ngả âm đạo.

– Dây rốn quấn cổ, thắt nút hay sa dây rốn…

– Nhau tiền đạo, khiến thai phụ không thể sinh thường.

– Sản giật, khiến mẹ bị đột quỵ hoặc ngừng tim, còn thai nhi có thể bị chết lưu hoặc rối loạn đông máu.

– Vỡ tử cung, gây khó khăn trong sinh nở hiện tại và sau này.

– Thuyên tắc ối, gây tổn thương não, thậm chí là tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh.

Mẹ cần chuẩn bị gì khi sắp sinh con?

Trước khi sinh, các mẹ cần chuẩn bị những điều sau đây để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn:

– Cập nhật kiến thức về quá trình sinh nở như dấu hiệu chuyển dạ, các giai đoạn chuyển dạ, khi nào cần đến bệnh viện…

– Trao đổi với bác sĩ về phương pháp sinh con để chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe lẫn tinh thần.

– Chuẩn bị chu đáo tất cả đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé khi đi sinh.

– Giữ tinh thần thoải mái trước và trong quá trình sinh nở để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.

– Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trước và trong khi sinh.

Trên đây là tất tần tật những thông tin cần thiết về quá trình sinh con, giúp mẹ bầu có thêm kiến thức bổ ích để quá trình sắp tới diễn ra thuận lợi hơn. Chúc các mẹ vượt cạn thành công!

Giới thiệu bác sĩ Huyền

Là bác sĩ Da liễu giỏi giang, cá tính, vững chuyên môn. Nhiều kinh nghiệm lâm sàng và đặc biệt là mát tay khi làm thủ thuật. Bác khám rất kỹ, hỏi thăm cặn kẽ, dặn dò sau thủ thuật chu đáo. Chưa hết đâu, Bác còn thông minh, nhiệt tình và cực kỳ lịch thiệp với Khách hàng.

Đặt lịch trị mụn/chăm sóc da và nhận ưu đãi ngay hôm nay!

Đặt lịch bác sĩ
[yarpp]

This will close in 0 seconds