Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành

vết mổ sau sinh bao lâu thì lành

Hành trình mang thai vất vả đến lúc chuẩn bị chào đón “thiên thần nhỏ” đến với vòng tay cũng khó khăn không kém. Nếu như các mẹ vì lý do sức khỏe hay bất kỳ lý do nào đó mà không thể sinh thường, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ. Quá trình sinh mổ lấy đi khá nhiều năng lượng của mẹ và bé. Không chỉ mệt mỏi, lâu hồi phục hơn các mẹ sinh thường mà còn phải chăm sóc vết mổ đúng cách, để vết thương nhanh lành. Đây cũng là vấn đề mà các mẹ quan tâm, để biết vết mổ sau sinh bao lâu thì lành, cùng Mỹ Phẩm Bà Bầu đi sâu hơn trong bài biết này nhé.

Sinh mổ sẽ có những vết rạch nào?

Sinh mổ còn được gọi là mổ lấy thai – đây là một cuộc phẫu thuật nhằm lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành tử cung (không bao gồm mổ lấy thai trong vỡ tử cung). Việc sinh mổ không thể do các mẹ quyết định mà do sự chỉ định từ bác sĩ. Nếu như mẹ không đủ sức, không đủ tiên lượng hay vì lý do nào đó mà không thể sinh thường qua ngả âm đạo thì bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai.

Trước đây, chỉ định sinh mổ còn hạn chế, gây nhiều lo sợ cho mọi người vì yếu tố nhiễm trùng và gây mê hồi sức. Nhưng ngày nay, nhờ vào sự phát triển của khoa học, kỹ thuật trong phẫu thuật, phương tiện vô khuẩn, kháng sinh, truyền máu, gây mê hồi sức đã giảm hẳn các tai biến của việc sinh mổ.

Khi sinh mổ, các sản phụ thường có vết rạch ngang hoặc dọc:

– Vết rạch ngang: bác sĩ sẽ tạo 2 vết rạch gồm: một vết đi qua phần bụng dưới, cách lông mu 2-5cm và một vết rạch thông qua tử cung. Thông thường, bác sĩ sẽ chọn vết rạch ngang trong sinh mổ vì nó mau lành và ít chảy máu hơn.

– Vết rạch dọc: được áp dụng khi mà mẹ bầu đã có sẹo từ cuộc phẫu thuật khác trước đó. Hay trong một số trường hợp như em bé ở vị trí bất thường, sản phụ chảy máu âm đạo cho rau tiền đạo hoặc suy thai, sinh non thì bác sĩ mới thực hiện vết rạch dọc. Bác sĩ tạo vết rạch kéo dài từ rốn đến đường chân lông mu. Thông thường, vết rạch dọc đau hơn, cần thời gian hồi phục nhiều hơn so với vết rạch ngang.

+ Rau (nhau) tiền đạo: là hiện tượng rau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, làm che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, làm cản đường ra của thai nhi trong quá trình sinh nở. Rau thai có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào mà phôi làm tổ trong tử cung.

+ Suy thai: là tình trạng thai nhi không được khỏe, xảy ra khi em bé không nhận đủ oxy qua nhau thai. Đây là tình trạng nguy hiểm, cho thấy thai nhi đang phát triển không bình thường.

+ Sinh non: là tình trạng chuyển dạ ba tuần trước ngày dự sinh của em bé. Khi mẹ bầu lâm bồn và sinh ra em bé trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ được gọi là sinh non.

Ngoài ra, loại vết mổ được bác sĩ sử dụng còn tùy thuộc vào sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Sinh mổ sẽ có những vết rạch nào?
Sinh mổ sẽ có những vết rạch nào?

Sinh mổ bao lâu thì lành?

Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành là vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm. Vì vết mổ không chỉ gây đau nhức mà còn có thể để lại sẹo lớn nếu không biết cách chăm sóc.

Chỉ khâu vết mổ sau sinh được sử dụng là loại chỉ có thể thấm hút, ở trong cơ thể sau 6 tuần sẽ tự tiêu hết, không cần phải cắt chỉ. Thời gian phục hồi vết mổ của mỗi mẹ sẽ khác nhau vì còn phụ thuộc vào vết mổ khó hay không, cơ địa của mỗi người phụ nữ và cách chăm sóc sức khỏe, vết thương sau sinh mổ như thế nào.

Sau ca phẫu thuật mổ lấy thai, các sản phụ thường mất 3-4 ngày nằm tại bệnh viện để theo dõi và cần khoảng 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà để có thể hồi phục hoàn toàn. Trong đó, thường sau 7 ngày thì vết mổ sẽ liền lại, vết khâu sẽ khô và hơi gồ lên 1 đường. Thời gian sau 2-3 tuần vết mổ tạo thành vết sẹo nhưng khi cử động hay chạm vào vẫn còn thấy đau.

Vết mổ sau sinh thường có chiều dài 11-15cm, khi thấy màu sắc của vết sẹo gần như màu da và co lại thì đây là dấu hiệu vết mổ dần lành. Về cơ bản, vết sẹo do sinh mổ không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ bên ngoài.

Sinh mổ bao lâu thì lành?
Sinh mổ bao lâu thì lành?

Trong quá trình lành hẳn, có thể vết mổ sẽ rất ngứa, các mẹ bầu không nên tác động vật lý như cào, gãi gây kích ứng da. Thời gian vết mổ lành trung bình thường dao động khoảng 3 tháng sau khi mổ lấy thai. Khi vết thương lành sẽ không còn cảm thấy đau và ngứa vết thương khó chịu.

Sinh mổ bao lâu thì hết đau?

Như đã đề cập ở phần trên, sau khi sinh mổ và thời gian tầm 1 tháng sau thì vết mổ dù khô lại nhưng vẫn còn đau nếu như chạm hay cử động mạnh.

Sinh mổ bao lâu thì hết đau?
Sinh mổ bao lâu thì hết đau?

Trung bình thời gian khoảng 3 tháng sau sinh thì vết mổ lành hẳn. Lúc này, sản phụ không còn cảm thấy đau và ngứa xung quanh vết mổ. Tuy nhiên, có một số phụ nữ cảm giác đau ở vết mổ tận 6 tháng, thậm chí kéo dài đến 1,5 năm. Thời điểm này, các mẹ nên tái khám phụ khoa để bác sĩ xác định cơ thể đã hồi phục sau sinh chưa, có vấn đề gì bất thường xảy ra hay không. Từ đó, tư vấn và đưa ra phương pháp khắc phục, điều trị phù hợp nhất.

Làm thế nào vết mổ đẻ nhanh hồi phục?

Việc chăm sóc vết mổ sau sinh sẽ quyết định trực tiếp đến vết mổ có nhanh lành hay không, có để lại sẹo lớn hay không?

Chăm sóc vết mổ

Chăm sóc vết mổ được chia thành 2 giai đoạn: chăm sóc vết mổ tại bệnh viện và chăm sóc vết mổ tại nhà.

Chăm sóc vết mổ tại bệnh viện

Những ngày đầu tiên sau phẫu thuật, vết mổ vẫn chưa khô hẳn nên các mẹ sẽ được bác sĩ, nhân viên y tế kiểm tra vết mổ và chăm sóc hằng ngày.

Các điều dưỡng giúp các mẹ vệ sinh vết mổ mỗi ngày. Cùng với đó là mẹ bầu kết hợp dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc co hồi tử cung,… theo chỉ định của bác sĩ để tránh nhiễm trùng hay biến chứng sau sinh. Trong thời gian này, các chị em cần giữ vệ sinh vết mổ, không được tự ý tháo hay làm ướt băng gạc,…

Ngoài ra, với các sản phụ sinh mổ thì thời gian này nên bắt đầu tập đi lại nhẹ nhàng để tránh tình trạng táo bón, ngăn ngừa cục máu đông và tăng quá trình lưu thông máu khắp cơ thể. Các bác sĩ thường khuyên các mẹ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng sau 24 giờ kể từ khi thực hiện ca sinh mổ.

Sau khoảng 2-3 ngày, các nhân viên y tế, bác sĩ sẽ đánh giá vết mổ. Nếu như vết mổ khô, không sưng đau, không chảy dịch thì có thể để hở mà không cần băng kín vết thương. Đối với những mẹ còn đau thì nói rõ tình trạng với bác sĩ để được kiểm tra ngay và chỉ định dùng thuốc giảm đau phù hợp.

Khoảng thời gian này, các sản phụ chỉ nên lau người bằng nước ấm, hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt, dễ nhiễm trùng. Sau khi tắm, dùng khăn bông mềm để tránh chạm đến vết mổ và nên lau từ phía trước ra sau, thấm khô nhẹ nhàng vết mổ để vết thương được khô thoáng, tránh nhiễm trùng. Đặc biệt, các mẹ cũng nên lưu ý làm sạch các vùng da xung quanh vết mổ để tránh bị nhiễm bẩn gây ảnh hưởng vết mổ.

Chăm sóc vết mổ tại nhà

Sau khi được xuất viện về nhà, sẽ không còn nhân viên y tế và bác sĩ chăm sóc mà lúc này các mẹ phải tự chăm sóc vết mổ.

Các chị em có thể tắm bình thường, sau đó dùng khăn sạch, mềm thấm khô vết mổ. Các mẹ nên để vết mổ hở không cần băng kín, luôn giữ cho vết mổ luôn khô sạch, có thể vệ sinh thấm vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10% sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng.

Sau khi vết thương khép miệng mẹ có thể dùng gel silicone trị sẹo để giảm đỏ, phòng ngừa sẹo lồi và sẹo bất thường.

Đặc biệt, các mẹ không nên sờ tay vào vết mổ, không nên gãi khi mà vết mổ ngứa. Bên cạnh đó, nên mặc quần áo hằng ngày rộng rãi, thoáng mát để giảm nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa việc cọ xát, kích thích đến vết mổ.

Các mẹ cũng nên tránh quan hệ tình dục trong 6 tuần đầu tiên sau mổ hoặc có thể kéo dài hơn để an toàn cho sức khỏe, không tác động đến vết mổ quá nhiều.

Ngoài ra, nếu như không có chỉ định từ bác sĩ hay nhân viên y tế dặn dò trước khi xuất viện thì các mẹ không nên dùng hay bôi bất cứ thuốc gì vào vết mổ.

Trong khoảng thời gian chăm sóc vết mổ tại nhà, nếu như xuất hiện một trong số những dấu hiệu dưới đây, các mẹ lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra và thăm khám:

– Bụng đau dữ dội, nhất là đau ở vị trí vết mổ. Dù là không tác động, không chạm vào vết mổ nhưng vẫn đau, có thể là tổn thương bên trong.

– Vết mổ sưng, tấy, vùng da xung quanh đỏ, nóng ran hoặc ngứa. Đi kèm với đó có thể có dịch mủ chảy ra và có mùi hôi. Đây là dấu hiệu cho thấy đang bị nhiễm trùng cần được xử lý nhanh nhất

– Sốt cao trên 38,5 độ

– Sản dịch sau sinh có mùi hôi, là biểu hiện của nhiễm trùng hậu sản.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng với sản phụ. Vì đây là thời gian cần phục hồi, lấy lại sức, đáp ứng dinh dưỡng cũng như các hoạt động của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ các chất, không chỉ giúp mẹ bầu nhanh hồi phục mà còn cung cấp nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho bé con.

Phụ nữ sau sinh mổ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng gồm có:

– Các thực phẩm chứa hàm lượng sắt cao như: bí đỏ, lòng đỏ trứng gà, nho, chuối, các loại hạt

– Các thực phẩm chứa nhiều protein: thịt bò, thịt lợn, thịt gà, phô mai hay các thực phẩm có protein nguồn gốc từ thực vật như hạt cây, đậu phụ, sữa thực vật.

– Bổ sung vitamin E từ mầm lúa mì, hạnh nhân, lạc, dầu thực vật, rau bina (chân vịt, bó xôi), bông cải xanh.

– Thực phẩm giúp tăng sữa như: cháo thịt bò, móng giò, đu đủ xanh.

– Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày để tránh thiếu nước sau sinh.

– Thực phẩm bổ sung carbohydrate từ các loại hạt: bánh mì đen, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt,… sẽ giúp duy trì năng lượng trong thời gian dài và hỗ trợ quá trình sản xuất sữa mẹ.

– Các sản phẩm như sữa chua, sữa rất tốt vì vừa cung cấp nước vừa có các chất dinh dưỡng, cũng như lợi khuẩn cho cơ thể

– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương: ớt chuông, cam, quýt, bông cải xanh, dâu tây, cà chua, súp lơ, khoai tây, rau bina và đậu Hà Lan.

– Bổ sung vitamin A giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm: khoai lang, bí, cà rốt, xoài, mơ, cải xoăn, rau bina, trứng, đậu, cá hồi, cá ngừ,…

– Thực phẩm giàu kẽm vì kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành collagen và tổng hợp protein, tăng cường hệ thống miễn dịch: thịt, hải sản, các loại hạt, đậu, phô mai và sữa.

– Vitamin K cùng các yếu tố vi lượng như canxi, sắt, đồng có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ như trứng, sữa.

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu sau sinh mổ
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu sau sinh mổ

Bên cạnh các thực phẩm cần bổ sung thì trong giai đoạn này, các mẹ cũng nên tránh một số thực phẩm không tốt sau sinh mổ. Vì những thực phẩm không tốt có thể sẽ làm ảnh hưởng vết thương cũng như sức khỏe của mẹ và bé còn yếu.

– Không ăn nhiều đường và các sản phẩm từ đậu tương vì dễ gây táo bón, đầy hơi.

– Tránh thực phẩm có tính hàn, tanh như hải sản,… vì những thực phẩm này có thể gây khó khăn cho việc đông máu tại vết mổ, khiến vết thương lâu hồi phục hơn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

– Kiêng ăn rau muống, thịt gà, gạo nếp, lòng trắng trứng gà,… vì những thực phẩm này có thể gây mủ và sẹo lồi sau mổ đẻ.

– Tránh các thực phẩm gây đầy hơi: sữa đậu nành, tinh bột, thực phẩm lên men như các loại dưa muối, cải muối

– Kiêng các loại quả chua như khế, me, cóc, xoài,…

– Hạn chế gia vị mạnh như ớt, tiêu trong chế độ ăn hằng ngày

– Các mẹ chỉ nên ăn thực phẩm lành mạnh, không nên bổ sung các món chiên xào, dầu mỡ

– Tránh các sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu, nước tăng lực, nước ngọt,…

Ngoài ra, mọi nguồn thực phẩm chế biến cho mẹ bầu đều phải rõ nguồn gốc, tất cả thực phẩm nên chất lượng và vệ sinh, tươi sạch và phải được nấu chín kỹ.

Qua những thông tin trong bài viết, hy vọng các mẹ bầu nắm được thông tin về vết mổ sau sinh bao lâu thì lành. Từ đó, các mẹ có thêm kinh nghiệm, biết cách chăm sóc vết mổ, sức khỏe tốt hơn để nhanh hồi phục sau sinh. Chúc các mẹ luôn vui vẻ và có được một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

 

Giới thiệu bác sĩ Huyền

Là bác sĩ Da liễu giỏi giang, cá tính, vững chuyên môn. Nhiều kinh nghiệm lâm sàng và đặc biệt là mát tay khi làm thủ thuật. Bác khám rất kỹ, hỏi thăm cặn kẽ, dặn dò sau thủ thuật chu đáo. Chưa hết đâu, Bác còn thông minh, nhiệt tình và cực kỳ lịch thiệp với Khách hàng.

Đặt lịch trị mụn/chăm sóc da và nhận ưu đãi ngay hôm nay!

Đặt lịch bác sĩ
[yarpp]