Viêm đường tiết niệu khi mang thai? Nguyên nhân và cách điều trị?

Mang thai đánh dấu một cột mốc đáng nhớ của người mẹ với hàng loạt những thay đổi cả bên trong cơ thể và ngoại hình bên ngoài, cộng với sự suy giảm của hệ miễn dịch, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có viêm đường tiết niệu khi mang thai. Để tránh những biến chứng khôn lường, mẹ bầu cần tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này, từ đó nhận biết và điều trị kịp thời.

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai

Viêm đường tiết niệu là gì?

Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm khuẩn ở các bộ phận của hệ tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu quản… Đối với thai phụ, đây là bệnh lý khá phổ biến nhưng không phải bao giờ cũng xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng nên nhiều mẹ bầu khó nhận ra.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể tái đi tái lại nhiều lần hoặc xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm bể thận, sinh non, sẩy thai, bé nhẹ cân hay nhiễm khuẩn sơ sinh. Chính vì thế, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất.

Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu khi mang thai

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu do những nguyên nhân dưới đây:

– Nồng độ và số lượng nội tiết tố gia tăng đáng kể trong giai đoạn mang thai khiến cho nước tiểu cô đặc lại, chứa nhiều protein và hàm lượng đường cao…, tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi để các loại vi khuẩn tồn tại và sinh sôi. Đồng thời, sự thay đổi trong thai kỳ này cũng khiến cho nước tiểu dễ bị trào ngược lên niệu quản, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hơn.

– Niệu quản của phụ nữ mang thai bắt đầu có xu hướng mở rộng từ tuần thứ 6 của thai kỳ cho đến ngày sinh nở. Lúc này, lượng nước tiểu sẽ tập trung nhiều trong cơ thể, thể tích bàng quang tăng lên và giảm trương lực, dẫn đến việc khó tống nước tiểu ra ngoài. Chính vì thế, vi khuẩn có thể tồn tại trong đường tiết niệu lâu dài, đồng thời tăng khả năng xâm nhập sâu đến thận, gây ra tình trạng viêm nhiễm.

– Thai nhi phát triển nhanh chóng qua mỗi tuần nên kích thích cũng ngày một tăng lên, gây áp lực và chèn ép lên đường tiết niệu, nhất là bàng quang, làm tăng khả năng rò rỉ nước tiểu. Môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh chóng, gây ra viêm đường tiết niệu khi mang thai.

– Quan hệ tình dục không an toàn hay vệ sinh vùng kín không đúng cách dễ khiến cho các loại vi khuẩn gây hại, nhất là Escherichia Coli từ khu vực hậu môn tấn công vào đường tiết niệu.

– Liên cầu khuẩn nhóm B thường xuất hiện trong ruột và âm đạo của phụ nữ. Khi mang thai, những vi khuẩn này có thể tấn công vào đường tiết niệu, gây ra các bệnh lý viêm nhiễm. Trong nhiều trường hợp, liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Do vậy, mẹ bầu cần kiểm tra sức khỏe thai kỳ đều đặn để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

– Uống quá ít nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu. Khi bổ sung không đủ nước cho cơ thể, nước tiểu có thể bị cô đọng, dẫn đến thời gian giữ nước tiểu trong bàng quang dài hơn, gây ra tình trạng trào ngược, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

– Nhiệt độ cơ thể của phụ nữ mang thai thường cao hơn người bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng tiểu nóng, tiểu buốt xuất hiện, đồng thời tạo cơ hội cho các bệnh lý viêm nhiễm hình thành và phát triển.

Dấu hiệu bị viêm đường tiết niệu khi mang thai?

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị viêm đường tiết niệu chiếm khoảng từ 2 – 10% nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần mà không khỏi hẳn. Tình trạng tái nhiễm thường xảy ra ở những phụ nữ từng có bệnh hoặc sinh con nhiều lần với các biểu hiện sau:

– Cảm thấy đau, rát, khó chịu khi đi tiểu

– Tăng số lần đi tiểu hơn bình thường

– Lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.

– Cảm giác buồn tiểu rất khẩn cấp nhưng lượng nước tiểu lại ít.

– Tiểu tiện không tự chủ

– Nước tiểu có màu đục, mùi hôi, lẫn máu bất thường

– Chuột rút

– Đau tức ở vùng bụng dưới hoặc khi quan hệ tình dục

– Ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm

– Đau lưng, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn khi vi khuẩn lan đến thận

Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào mắc bệnh lý viêm nhiễm đường tiết niệu cũng có thể xuất hiện các triệu chứng nêu trên, đôi khi các triệu chứng xuất hiện khá mơ hồ, không rõ ràng nên rất dễ nhầm lẫn. Thế nhưng, chỉ có mẹ bầu mới hiểu cơ thể của mình nhất nên cần lắng nghe cơ thể nhiều hơn để kịp thời nhận biết những biểu hiện bất thường.

Mẹ bầu nên chú ý đến những biểu hiện bất thường ở hệ tiết niệu trong giai đoạn mang thai
Mẹ bầu nên chú ý đến những biểu hiện bất thường ở hệ tiết niệu trong giai đoạn mang thai

Bị viêm đường tiết niệu khi mang thai có nguy hiểm không?

Trong giai đoạn mang thai, bất kỳ những biểu hiện bất thường nào trong cơ thể đều đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng viêm nhiễm. Khi đó, không chỉ sức khỏe của mẹ bầu bị ảnh hưởng mà thai nhi cũng khó tránh khỏi rủi ro không mong muốn.

Biến chứng gây ra cho mẹ

Nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu khi mang thai ở mẹ bầu từ tuần thứ 6 – 24 cao hơn các giai đoạn khác. Vì thế, các mẹ nên chú ý đến những biểu hiện bất thường trong cơ thể để phát hiện từ sớm. Nếu không điều trị kịp thời, mẹ bầu có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm nhiễm đường tiết niệu là viêm bể thận, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở thận. Bệnh lý nguy hiểm này chiếm khoảng 1 – 2% phụ nữ mang thai từng mắc bệnh sỏi thận, viêm thận hay các bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu khác.

Không những thế, viêm đường tiết niệu ở thai phụ còn có khả năng gây ra chuyển dạ sớm, dẫn đến sinh non, hô hấp, thiếu máu…, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Biến chứng gây ra cho bé

Không chỉ gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm ở người mẹ, viêm đường tiết niệu còn khiến cho thai nhi bị ảnh hưởng nặng nề như thai lưu, trẻ sinh non thiếu tháng, sảy thai và nghiêm trọng nhất là nhiễm trùng sau sinh, làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi.

Bị viêm đường tiết niệu khi mang thai, khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Không phải mẹ bầu nào cũng cập nhật đầy đủ các kiến thức thai kỳ nên phần lớn các triệu chứng của bệnh thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi nhận thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở đường tiết niệu, mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám ngay để được kiểu tra và tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Đối với phụ nữ mang thai ở tam cá nguyệt thứ nhất, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng viêm nhiễm bằng cách thực hiện xét nghiệm nước tiểu để xác định vi khuẩn. Trong trường hợp phát hiện vi khuẩn trong nước tiểu, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành các quy trình tiếp theo để xem mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, từ đó xác định loại thuốc phù hợp với mẹ bầu nhất.

Cách điều trị viêm đường tiết niệu khi mang thai

Vi khuẩn gây viêm nhiễm đường tiết niệu thường được điều trị bằng kháng sinh để diệt triệt để nguồn gốc gây bệnh. Theo đó, mẹ bầu có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong khoảng từ 3 – 7 ngày hoặc kéo dài hơn tuỳ vào mức độ bệnh của từng mẹ bầu.

Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì sợ rằng thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Thế nhưng, các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm vì một số loại thuốc kháng sinh điều trị viêm đường tiết niệu được chỉ định dùng cho phụ nữ mang thai vì ít có tác dụng phụ bao gồm erythromycin, amoxicillin và penicillin. Còn các loại khác kháng sinh khác như sulfamethoxazole, ciprofloxacin (Cipro), tetracycline hoặc trimethoprim (Primsol, Proloprim, Trimpex) thường được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Đối với trường hợp mẹ bầu đáp ứng thuốc tốt, các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu sẽ biến mất sau khoảng 3 ngày điều trị. Tuy nhiên, các mẹ cần thực hiện đúng chỉ định uống thuốc của bác sĩ để tránh làm bệnh tái phát trở lại.

Trong trường hợp mẹ bầu không đáp ứng thuốc hoặc bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng, các mẹ nên đến khám ngay sau khi kết thúc ngày thuốc chỉ định. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng sinh mạnh hơn hoặc tiêm tĩnh mạch để cải thiện hiệu quả điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, mẹ bầu không nên tự ý mua thuốc khi chưa thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh để tránh sử dụng không đúng thuốc, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Trong quá trình điều trị không nên tự ý ngưng dùng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài mà cần tuân thủ đúng chỉ định, nếu vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tốt thì nên thăm khám lại để bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị mới.

Mẹ bầu cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện bất thường ở đường tiết niệu
Mẹ bầu cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện bất thường ở đường tiết niệu

Cách phòng ngừa bị viêm đường tiết niệu khi mang thai

Việc bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn mang thai không chỉ tốt cho thai phụ mà còn cả thai nhi. Chính vì vậy, việc phòng ngừa tình trạng viêm tiết niệu khi mang thai là hết sức quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Dưới đây là những cách ngăn ngừa bệnh lý đường tiết niệu nguy hiểm này.

Uống nhiều nước

Việc uống nhiều nước rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì chúng giúp ích rất nhiều cho các quá trình trao đổi hay chuyển hoá bên trong cơ thể. Nếu người bình thường chỉ cần uống đủ từ 1,5 lít – 2,5 lít tuỳ từng thể trạng thì mẹ bầu cần bổ sung nhiều nước hơn khoảng 2,5 lít – 3 lít.

Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều bỏ qua lượng nước mà cơ thể cần một ngày, chỉ uống khi cảm thấy khát nên lượng nước không thể bù đắp đủ cho các hoạt động trong cơ thể, gây ra tình trạng mất nước, hơn hết là làm ảnh hưởng đến hệ tiết niệu. Do vậy, các mẹ nên tập thói quen uống đủ nước mỗi ngày, có thể phân chia lượng nước theo giờ để duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể.

Đi tiểu thường xuyên và không nhịn tiểu

Do những thay đổi trong cơ thể cộng với trọng lượng tăng lên theo sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ngại di chuyển…, dẫn đến tình trạng nhịn tiểu diễn ra nhiều lần trong ngày. Điều này gây tác động xấu đến hệ tiết niệu của cơ thể, lâu ngày có thể gây ra hàng loạt các bệnh lý đường tiết niệu nghiêm trọng, trong đó có viêm tiết niệu thai kỳ. Vì thế, mẹ bầu nên tập thói quen đi tiểu thường xuyên, nhất là khi có biểu hiện buồn tiểu và tuyệt đối không nên nhịn tiểu.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Cơ thể của phụ nữ mang thai vốn đã nhạy cảm và vùng kín lại càng nhạy cảm hơn. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe vùng kín trong suốt giai đoạn mang thai là hết sức quan trọng. Theo đó, mẹ bầu có thể sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ cách ngày, dùng khăn lau khô vùng kín sau khi đi vệ sinh xong, đồng thời chọn những loại đồ lót có khả năng thấm hút tốt, co giãn tốt để tạo cảm giác thoải mái, không bí bách.

Không nhịn tiểu và uống đủ nước mỗi ngày giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc bệnh lý đường tiết niệu
Không nhịn tiểu và uống đủ nước mỗi ngày giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc bệnh lý đường tiết niệu

Quan hệ tình dục an toàn

Như đã thông tin, hậu môn và vùng kín là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn trú ngụ và sinh sôi. Nếu quan hệ tình dục không an toàn, mẹ bầu có thể vô tình làm lây lan vi khuẩn sang đường tiết niệu, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng. Để tránh tình trạng này, mẹ bầu nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục cũng như quan hệ an toàn.

Thăm khám sức khỏe thai kỳ đúng hạn

Trong suốt giai đoạn mang thai, mẹ bầu sẽ được chỉ định thăm khám sức khỏe ở các cột mốc quan trọng, nhất là giai đoạn đầu của thai kỳ. Lúc này, mẹ bầu nên tuân thủ đúng lịch khám thai của bác sĩ hoặc nếu không có điều kiện thì trong suốt thai kỳ cần thăm khám ít nhất 3 lần để được kiểm tra sức khỏe, kịp thời phát hiện những bệnh lý nguy hiểm và điều trị từ sớm.

Trong trường hợp mẹ bầu có bệnh lý phụ khoa nào đó thì cần điều trị triệt để trong thai kỳ, tránh làm lây lan vi khuẩn sang đường tiết niệu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý đường tiết niệu.

Xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt hợp lý

Thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của phụ nữ mang thai. Do đó, các chuyên gia khuyên mẹ bầu rằng nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế dầu mỡ, đường và chất béo, tránh thực phẩm cay nóng hay đồ uống có chứa chất kích thích như caffeine, cồn…

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần xây dựng lối sống cân bằng, khoa học bằng cách tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng mỗi ngày, ngủ đủ giấc, không thức khuya, giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, lo âu để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Bất kỳ bệnh lý nào xuất hiện trong thai kỳ đều không thể xem thường, hơn nữa bệnh liên quan đến hệ tiết niệu lại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Chính vì thế, các mẹ cần đặc biệt chú ý đến cơ thể trong suốt quá trình mang thai, nhất là giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thai kỳ. Mong rằng, những thông tin về viêm đường tiết niệu khi mang thai mà chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp các mẹ bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!

Giới thiệu bác sĩ Huyền

Là bác sĩ Da liễu giỏi giang, cá tính, vững chuyên môn. Nhiều kinh nghiệm lâm sàng và đặc biệt là mát tay khi làm thủ thuật. Bác khám rất kỹ, hỏi thăm cặn kẽ, dặn dò sau thủ thuật chu đáo. Chưa hết đâu, Bác còn thông minh, nhiệt tình và cực kỳ lịch thiệp với Khách hàng.

Đặt lịch trị mụn/chăm sóc da và nhận ưu đãi ngay hôm nay!

Đặt lịch bác sĩ
[yarpp]

This will close in 0 seconds